Ông Thừa dán nhãn của Hợp tác xã nuôi ong Phúc Thuận cho những chai mật ong.
Cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận đến thăm gia đình ông Thừa cũng là lúc ông Thừa đang dán nhãn của Hợp tác xã nuôi ong Phúc Thuận cho những chai mật ong để giao cho khách hàng. Sau một hồi trò chuyện bên ấm trà nóng, ông Thừa dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ong và trồng cây ăn quả của gia đình. Từ trong sân cho đến ngoài vườn đều được ông Thừa đặt những thùng ong lấy mật và ong giống. Chia sẻ về nghề nuôi ong của mình ông Thừa cho biết: Tôi đã gắn bó với những thùng ong đến nay đã được khoảng 45 năm. Khi đó được sự hướng dẫn của anh em trong quân ngũ, tôi mua 10 thùng ong về nuôi. Tuy nhiên, mật làm ra lại không có người đến hỏi mua vì thế tôi chủ yếu dùng để phục vụ trong gia đình. Tôi vừa nuôi vừa đem sản phẩm mật ong của gia đình đi giới thiệu với bạn bè, người quen trong và ngoài xã. Dần dần sản phẩm mật ong của gia đình cũng được nhiều người biết đến và mật làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.
Từ 10 thùng ong ban đầu ông Thừa đã tự nhân giống, tách đàn ong. Hơn chục năm nay, gia đình ông Thừa luôn duy trì từ 50-60 thùng ong. Mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường trên 160 lít mật và 20-30 thùng ong giống, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm. Năm 2011, ông Thừa cùng với 9 hộ dân khác trong xã thành lập Hợp tác xã Nuôi ong Phúc Thuận và ông Thừa được các thành viên bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (nay là Giám đốc Hợp tác xã). Các thành viên trong Hợp tác xã đã cùng nhau thiết kế nhãn mác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống ong… qua đó, nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị mật ong trên địa bàn xã. Các thành viên trong hợp tác xã luôn duy trì nuôi từ 500-600 thùng ong lấy mật, mỗi năm thu được trung bình gần 3.000 lít mật ong.
Song song với việc nuôi ong, ông Thừa còn trồng các loại cây ăn quả trên diện tích 2.000 mét vuông đất vườn của gia đình. Hiện, trong vườn nhà ông có 20 gốc nhãn và 300 gốc chuối tiêu hồng. Ông Thừa cho hay: Trước đây, tôi chỉ trồng cây vải và cây nhãn nhưng nhiều vụ bị thất thu vì thế 5 năm nay tôi chuyển sang trồng cây chuối tiêu hồng là chính. Không như các loại cây ăn quả khác, cây chuối dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và ngay năm đầu trồng đã mang lại thu nhập. Trung bình mỗi vụ chuối tôi thu được khoảng 30 triệu đồng, có vụ còn được gần 50 triệu đồng.
Ông Lê Vĩnh Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận cho biết: Hàng chục năm qua, ông Thừa luôn là một trong những hội viên nông dân năng động, dám nghĩ dám làm, tích cực đưa các mô hình kinh tế mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, khi áp dụng thành công, ông sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các hội viên nông dân khác trên địa bàn xã, qua đó, đã góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình hội viên. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Thừa cũng tích cực tham gia các phong trào của Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến xã và các phong trào do xóm, xã phát động./.
Lan Hương
Ý kiến bạn đọc